Nông dân làm việc trên cánh đồng lúa ở Japakeh, gần Banda Aceh, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) đã bắt đầu đàm phán với một số công ty gạo Campuchia và ngân hàng Indonesia về kế hoạch mua lại. Giám đốc điều hành Bulog – ông Bayu Krisnamurthi nói với The Straits Times (Singapore) rằng vẫn còn khá sớm và vấn đề sẽ được thảo luận theo từng giai đoạn với tất cả các bên liên quan.

Trước đó vào ngày 10/6, Tổng thống sắp mãn nhiệm Joko Widodo yêu cầu Bulog vào xem xét mua lại một nhà sản xuất gạo ở Campuchia để đảm bảo trữ lượng gạo của nước này ở mức an toàn.

Indonesia là quốc gia sản xuất gạo lớn thứ tư thế giới đồng thời là nước tiêu thụ gạo lớn thứ ba toàn cầu với khoảng 30 triệu tấn mỗi năm. Indonesia có kế hoạch nhập khẩu hơn 3,6 triệu tấn gạo vào năm 2024.

Khi phát biểu trước Quốc hội vào ngày 20/6, Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia Amran Sulaiman chia sẻ rằng dự kiến sản lượng vụ thu hoạch năm 2024 sẽ giảm do biến đổi thời tiết và diện tích canh tác giảm 36,9% xuống còn 6,55 triệu ha trong khoảng thời gian từ tháng 10/2023 đến tháng 4/2024. Quốc gia Đông Nam Á này chủ trương nhập khẩu gạo để duy trì giá cả ổn định cho người tiêu dùng.

Gạo là mặt hàng lương thực quan trọng đối với nhiều quốc gia châu Á. Vào tháng 5, ông Widodo tuyên bố rằng Indonesia nhập khẩu chưa đến 5% tổng nhu cầu quốc gia. Từ tháng 1 đến tháng 5/2024, Indonesia nhập khẩu gạo nhiều nhất từ Thái Lan, tiếp đó là Việt Nam, Pakistan và Ấn Độ, còn Campuchia đứng thứ năm.

Theo bản ghi nhớ về thương mại gạo song phương được gia hạn vào năm 2023, Indonesia có thể mua tới 250.000 tấn gạo từ Campuchia mỗi năm, trong khoảng thời gian từ năm 2024 đến năm 2028. Trong 4 tháng đầu năm 2024, Indonesia đã nhập khẩu 2,26 triệu tấn gạo, trong đó 25.000 tấn từ Campuchia.

Tổng thống Widodo gần đây nhận định rằng sẽ tốt hơn nếu Indonesia đầu tư vào một nhà sản xuất gạo ở Campuchia thay vì chỉ nhập khẩu từ các nước láng giềng. Tuy việc mua lại nhà sản xuất gạo có quy trình khá đơn giản – Campuchia cho phép nước ngoài sở hữu tới 100% các công ty hoạt động trong nước – nhưng còn tồn tại các yếu tố khác.

Ông Bhima Yudhistira tại Trung tâm nghiên cứu luật và kinh tế có trụ sở ở Jakarta nhấn mạnh: “Nếu chính phủ Campuchia quyết định ưu tiên gạo cho nhu cầu trong nước thì công ty không thể tối đa hóa xuất khẩu sang Indonesia. Bulog phải tính đến những hạn chế như vậy”.

Ông Bayu Krisnamurthi cho biết hiện tại Bulog vẫn chưa tính đến vấn đề liên quan đến xuất khẩu mà công ty bị mua lại sẽ phải đối mặt.

Ông Bhima cho rằng thay vì tìm kiếm giải pháp ở nước ngoài, Indonesia có thể giải quyết các vấn đề hiện tại đang cản trở sản xuất lúa gạo. Những vấn đề này bao gồm kho bãi và bảo quản không phù hợp, ảnh hưởng đến chất lượng gạo dự trữ, thiếu đầu tư vào thiết bị và công nghệ để giúp nông dân trồng lúa.

Bộ trưởng Sulaiman vào ngày 20/6 cho rằng đề xuất mua lại nên được thực hiện cùng với những nỗ lực trong nước nhằm tối đa hóa nguồn lương thực địa phương, chẳng hạn như hình thành các cánh đồng lúa mới nếu có thể, tối ưu hóa các cánh đồng hiện có và cải thiện hệ thống tưới tiêu.